Tin tức 25/09/2022

Nguyên nhân loét môi và viêm môi

Môi là một vùng da tương đối nhạy cảm của con người. Vùng da này có thể bị viêm, loét hoặc gặp nhiều tổn thương khác nhau. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm loét môi với những đặc điểm khác nhau.

1.Viêm môi là gì?

Viêm loét môi (Cheilitis) là tình trạng viêm nhiễm tại da môi, có thể giới hạn trong viền môi hoặc lan qua viền môi và diễn biến thành đợt cấp hoặc mạn tính. Triệu chứng của bệnh lý này có thể bao gồm hiện tượng da môi trở nên đỏ, sưng nề, teo, nứt nẻ, đóng vảy, bong vảy kèm theo ngứa ngáy, đau, cảm giác nóng rát…
Nguyên nhân dẫn đến da môi viêm loét có thể là nguyên phát (tại chỗ) hoặc thứ phát sau một số bệnh lý toàn thân như lupus ban đỏ hệ thống, Sarcoidosis, bệnh Crohn, bệnh lý hình thành bọng nước tự miễn hoặc do suy dinh dưỡng.

2.Một số bệnh cảnh viêm môi thường gặp

2.1. Chàm môi

Chàm ở môi (hay có tên gọi khác là Eczematous Cheilitis) có biểu hiện đặc trưng là những dát tổn thương màu đỏ, kèm theo mụn nước, đóng vảy tiết khiến da môi khô, nứt nẻ và bong vảy. Nguyên nhân dẫn đến thể viêm da môi này có thể là nội sinh (như viêm da cơ địa) hoặc ngoại sinh (như viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc do kích ứng) và một số trường hợp kết hợp cả yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh.

2.2. Viêm môi tiếp xúc

Viêm môi tiếp xúc hay Contact cheilitis là một thể viêm da môi hay gặp với nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau ở trẻ em và người trưởng thành.
Nguyên nhân viêm da tiếp xúc ở trẻ em:
  • Nickel (tỷ lên khoảng 42%),  Balsam of Peru;
  • Các chất tạo mùi tổng hợp;
  • Một số thuốc như Neomycin, Formaldehyde;
  • Cocamidopropyl betaine;
  • Cobalt diclorid;
  • Methylchloroisothiazolinone;
  • Propylene glycol;
  • Bacitracin,  Bronopol, Wool alcohols;
Nguyên nhân viêm da môi tiếp xúc ở người lớn:
  • Sử dụng son môi, son dưỡng hoặc thành phần kem chống nắng có chứa benzophenone;
  • Kem đánh răng, nước súc miệng, chỉ nha khoa, tăm;
  • Dụng cụ chỉnh hình nha khoa, dụng cụ âm nhạc như sáo, kèn…;
  • Một số thực phẩm như xoài, trái cây có mùi, quế;
  • Sơn móng tay;
  • Nhựa latex.
Để chẩn đoán thể viêm loét môi này, bệnh nhân cần được thăm khám tổng thể da và niêm mạc, khai thác kỹ tiền sử cá nhân/gia đình về cơ địa atopy, tiền sử tiếp xúc các chất nghi ngờ dị ứng, sau đó tiến hành patch test với dị nguyên nghi ngờ.
Điều trị tình trạng môi viêm loét do tiếp xúc bao gồm dưỡng ẩm, tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng/dị ứng kết hợp với các thuốc corticosteroid bôi tại chỗ nhóm tác dụng nhẹ đến trung bình 2 lần/ngày trong thời gian 1-2 tuần hoặc nhóm ức chế calcineurin.

2.3. Viêm da môi nhiễm trùng

Các nguyên nhân thường gặp gây viêm môi nhiễm trùng bao gồm:
  • Virus: HSV (type 1 hay gặp hơn type 2), varicella zoster virus, HPV;
  • Vi khuẩn: Thứ phát sau nhiễm trùng răng lợi, nhọt da, chốc hóa sau nhiễm virus… Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây loét môi nặng và hoại tử. Hiếm gặp hơn là những săng giang mai ở da môi với đặc điểm loét môi hình tròn hoặc oval, đáy cứng, viền đều và hoàn toàn không đau;
  • Nhiễm ký sinh trùng leishmania.

2.4. Viêm môi vùng mép

Viêm môi vùng mép hay Angular cheilitis là một tình trạng da môi viêm loét mạn tính hoặc cấp tính do một số nguyên nhân như nhiễm nấm candida, nhiễm tụ cầu vàng, liên cầu hoặc nhiễm herpes simplex virus.
Một số yếu tố thuận lợi dẫn đến viêm môi vùng mép bao gồm:
  • Góc môi xệ gây chảy nước miếng mạn tính;
  • Răng giả kéo lệch góc môi;
  • Thiếu máu, suy giảm miễn dịch. 
Triệu chứng thường gặp là những tổn thương song song ở cả 2 mép môi, kèm theo ngứa, đau, bong vảy, nứt nẻ và phù nề.
Điều trị viêm da môi vùng mép chủ yếu là xử trí nguyên nhân, nếu do nhiễm nấm Candida thì dùng thuốc kháng nấm Miconazole hoặc Clotrimazole 2 lần/ngày trong thời gian 1-3 tuần, sau đó có thể lặp lại nếu cần. Trường hợp do nhiễm khuẩn thì dùng Mupirocin hoặc Fucidin.

2.5. Viêm môi ánh sáng

Viêm môi ánh sáng (hay Actinic cheilitis) có thể được xem là một dạng tổn thương loạn sản, tiền ung thư do phơi nhiễm với ánh nắng tích lũy theo thời gian. Tổn thương hay gặp ở vùng môi dưới nhiều hơn môi trên với biểu hiện da khô, nứt nẻ, bong vảy, dày sừng liên tục, sờ vào cảm giác như "giấy nhám”. Thể viêm môi này hay gặp ở vùng khí hậu nóng, khô và đối tượng chủ yếu là những người làm việc ngoài trời. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi cao, nam giới, thói quen hút thuốc lá và mắc một số bệnh lý nhạy cảm ánh sáng như khô da sắc tố, Porphyrias hay bạch tạng.
Chẩn đoán viêm môi ánh sáng chủ yếu dựa vào lâm sàng, những trường hợp có loét môi, trợt, sùi thì tiến hành xét nghiệm mô bệnh học để loại trừ ung thư biểu mô tế bào vảy.
Điều trị viêm môi ánh sáng bao gồm hạn chế tiếp xúc ánh nắng kết hợp sử dụng thuốc như Imiquimod, 5-FU, Diclofenac và liệu pháp lạnh bằng nitơ lỏng.

2.6. Sẩn ngứa do ánh sáng

Còn được gọi là Actinic prurigo, hay gặp ở các vùng Châu Mỹ-La tinh, phổ biến ở người trẻ tuổi với biểu hiện tổn thương ở nhiều vị trí như da, môi, vùng bán niêm mạc mà bản chất lag do phản ứng quá mẫn typ IV. 
Điều trị bao gồm tránh nắng, bôi corticosteroid tại chỗ, dùng thuốc chống sốt rét, Pentophyxillin, Cyclosporin A 2%, nhóm kháng histamin hoặc liệu pháp PUVA.

2.7. Viêm môi dạng u hạt

Hay Cheilitis Granulomatosa là bệnh lý được biết đến có liên quan đến phản ứng u hạt không nhiễm trùng, biểu hiện hay gặp ở vùng miệng-mặt. Viêm môi dạng u hạt có biểu hiện tương tự phản ứng quá mẫn chậm, hay gặp một bên môi dưới, giai đoạn đầu sưng mềm, sau đó chuyển sang chắc, không đau và hoàn toàn không liên quan đến chế độ ăn uống.
Xét nghiệm mô bệnh học có đặc điểm bao gồm tổn thương u hạt không hoại tử, không tìm thấy vật chất ngoại lai hoặc nhiễm trùng.
Điều trị viêm môi dạng u hạt bao gồm sử dụng corticosteroid tại chỗ hoặc tiêm vào vùng da tổn thương, trường hợp nặng có thể dùng corticosteroid đường toàn thân (Prednisolon 1mg/kg/ngày) hoặc kháng TNF alpha.

2.8. Viêm môi bong vảy

Thể viêm da môi này còn có tên gọi khác là Exfoliative Cheilitis, bản chất liên quan nhiều đến các sang chấn vùng môi, cắn môi, liếm môi hoặc một số rối loạn tâm thần.
Biểu hiện của thể viêm da môi này là da môi khô, đóng vảy dính, sau đó bong ra để lại lớp bên dưới có màu hồng, vài tiếng sau tiếp tục đóng vảy và tiếp tục bong vảy nhanh chóng.
Chẩn đoán phân biệt viêm môi bong vảy với viêm môi ánh sáng, viêm môi xâm nhập tương bào hoặc viêm da quanh miệng.
Điều trị bao gồm sử dụng các thuốc như Mupirocin, Tacrolimus kết hợp dưỡng ẩm và điều trị các rối loạn tâm thần nếu có.

2.9. Viêm môi xâm nhập tương bào

Viêm môi xâm nhập tương bào (hay plasma cell cheilitis) được mô tả lần đầu tiên bởi Zoon vào năm 1952. Tình trạng da môi viêm loét này tương đối hiếm gặp, đa số lành tính và thường tự phát, không rõ nguyên nhân với biểu hiện đặc trưng là sự xâm nhập dày đặc của tương bào ở trung bì nông trên hình ảnh mô bệnh học. 
Điều trị thể viêm môi này còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là bôi corticosteroid tại chỗ, tiêm corticoid nội tổn thương, nhóm ức chế Calcineurin hoặc Laser excimer.

2.10. Cheilitis glandularis

Đây là thể bệnh viêm môi mãn tính hiếm gặp liên quan đến tình trạng viêm tuyến nước bọt nhỏ của môi dưới. Bệnh thường gặp người lớn tuổi, đôi khi xảy ra ở người trẻ tuổi và đa số hay gặp ở phụ nữ.
Biểu hiện lâm sàng bao gồm tình trạng môi dưới sưng phồng, niêm mạc bên trong nhìn thấy các lỗ tiết nước bọt như đầu đinh ghim kèm tăng cảm giác đau, dính. Đôi khi xảy ra hiện tượng nhiễm khuẩn thứ phát hoặc một vài trường hợp diễn tiến sang ung thư biểu mô tế bào vảy.
Điều trị thể viêm da môi này bao gồm corticosteroid bôi tại chỗ, tiêm corticoid nội tổn thương, kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng hoặc phẫu thuật khi tổn thương lan rộng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc, băn khoăn nào về tình trạng loét môi và viêm môi, bạn có thể lựa chọn dịch vụ chăm sóc da liễu để kết nối với Bác sĩ từ xa. Giải pháp khám từ xa qua cuộc gọi video với bác sĩ đang là một trong những phương pháp tiên tiến và hiện đại nhất trong năm 2022 giữa bối cảnh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường đang leo thang ngày một nghiêm trọng. 
Với AIviCare, bạn hoàn toàn có thể gặp ngay bác sĩ chỉ sau 5 phút và nhận tư vấn dứt điểm cho các các biểu hiện của da như: Bệnh zona người lớn; Phát ban (nổi mề đay người lớn); Bệnh vảy nến; Bệnh chàm; Bệnh trứng cá đỏ; Các vấn đề về nấm da; Phát ban, lang ben, hắc lào; Các vấn đề về mụn, nhọt; Nám…
AIviCare được phát triển bởi VinBrain (thành viên của tập đoàn Vingroup) với lõi công nghệ là trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều tính năng ưu việt và vượt trội trong tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa cho người bệnh. Đây là một nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến tích hợp đầy đủ các chức năng cần có như:
  • Tạo tài khoản nhanh chóng;
  • Đăng nhập thông minh;
  • Đặt hẹn trực tuyến;
  • Kết nối với bác sĩ online ổn định…
Thêm vào đó, AIviCare còn mang lại nhiều tiện ích độc quyền như:
  • MIỄN PHÍ kiểm tra X-quang ngực thẳng giúp chẩn đoán hơn 21 bệnh lý và các dấu hiệu nguy cơ trên ảnh X-quang ngực thẳng nhờ tích hợp sẵn DrAid (AI Trợ lý bác sĩ) với độ chính xác trên 90%, thời gian xử lý chỉ trong vòng 5s;
  • AI chatbot thông minh giúp khách hàng nhanh chóng tìm được bác sĩ và các gói khám phù hợp nhất: 
Nhanh tay tải App AIviCare để được theo dõi chăm sóc sức khỏe ngay hôm nay
Ghi chú: Đây là các nội dung y học mang tính tham khảo, không khuyến cáo khách hàng tự áp dụng. Chúng tôi không chịu trách nhiệm với các trường hợp tự điều trị mà không có sự tham vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.