Tin tức
15/06/2022
Sốt siêu vi ở trẻ em có nguy hiểm không? Hướng dẫn chăm sóc tại nhà

Thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường làm thay đổi môi trường sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi trùng (virus) phát triển. Nếu sức đề kháng của trẻ kém sẽ dễ mắc phải các bệnh nhiễm siêu vi hay sốt siêu vi. Vậy sốt siêu vi ở trẻ em có nguy hiểm không?
1.Sốt siêu vi thường chỉ là chẩn đoán ban đầu
Em bé bị sốt siêu vi hay trẻ nhiễm siêu vi là chẩn đoán mà bác sĩ nhi khoa thường ghi trên toa thuốc khi nhận bệnh trong vài ngày đầu trẻ bị sốt, lúc này bác sĩ chưa vội xác định chính xác trẻ mắc bệnh gì. Sốt siêu vi hoàn toàn có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, hoặc chuyển biến thành viêm đường hô hấp hay cảm cúm, sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng. Do đó, khi em bé bị sốt siêu vi bác sĩ sẽ hẹn bé khám lại mỗi ngày hoặc nếu có thể cần làm thêm một số xét nghiệm để biết chính xác trẻ bị bệnh gì.
Nếu vẫn không tìm được nguyên nhân gây sốt và đã loại trừ các nguyên nhân do vi khuẩn như: viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm trùng tiểu…, đồng thời các xét nghiệm không có gợi ý nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ giữ nguyên chẩn đoán nhiễm siêu vi ban đầu. Em bé bị sốt siêu vi thường sẽ tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, vậy sốt siêu vi ở trẻ em có nguy hiểm không?
Xem ngay: Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết
2. Nhận biết em bé bị sốt siêu vi bằng cách nào?
- Sốt cao: biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt siêu vi dao động từ 38 - 39 độ C, thậm chí 40 - 41 độ C, khi hạ sốt trẻ có thể tỉnh táo và chơi bình thường. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi sốt cao không hạ kịp thời, trẻ rất dễ bị co giật, tăng tiết đàm nhớt gây suy hô hấp, thiếu oxy não…;
- Đau nhức cơ thể: trẻ lớn thường than đau khắp mình, trẻ nhỏ rất quấy khóc;
- Đau đầu: trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo;
- Viêm long đường hô hấp gây ho, chảy mũi, hắt hơi, họng đỏ…;
- Rối loạn tiêu hóa: dấu hiệu thường xuất hiện sớm khi nguyên nhân gây sốt siêu vi thâm nhập từ đường tiêu hóa, hoặc có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập, bệnh nhân có đặc điểm là đi tiêu lỏng, không có máu, không có chất nhầy;
- Viêm hạch: một số em bé bị sốt siêu vi có biểu hiện sưng hạch vùng đầu, mặt, cổ, sưng vùng sau tai, gáy với kích thước nhỏ, không đau, lưu ý nếu bé sưng vùng ngay trước tai nên nghi ngờ trẻ mắc bệnh quai bị;
- Phát ban: một số trẻ có phát ban khu trú ở mặt, chi hay toàn thân, xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi sốt, khi các nốt ban xuất hiện thường trẻ sẽ đỡ sốt;
- Viêm kết mạc mắt: mắt đỏ, có ghèn, chảy nước mắt, nếu dấu hiệu này xuất hiện kèm với ban đỏ nên nghi ngờ trẻ bị ban do bệnh sởi;
- Nôn: trẻ có thể nôn nhiều lần, thường nôn sau khi ăn.
3.Sốt siêu vi có nguy hiểm không?
Sốt siêu vi có nguy hiểm không? Sốt siêu vi mấy ngày thì hết là vấn đề nhiều người quan tâm. Thực tế, sốt siêu vi có thể dẫn đến một số biến chứng nặng hiếm gặp như: viêm phổi gây suy hô hấp tiến triển, viêm não hoặc viêm lồng ruột do một số hạch mạc treo ruột bị viêm, nang bạch huyết sưng to nhô vào lồng ruột làm cản trở nhu động của ruột dẫn đến hai đoạn ruột kế cận chui vào nhau.
Nhiễm siêu vi ở trẻ em có thể trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan khi không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách: viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng, chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…
Lứa tuổi càng nhỏ trẻ sẽ càng dễ bị nhiễm virus do sức đề kháng kém. Tuy nhiên một số loại virus có thể được cơ thể trẻ kháng lại nhờ lượng kháng thể từ mẹ truyền sang con thông qua nhau thai, qua sữa mẹ, trẻ bú mẹ có độ tuổi nhiễm siêu vi trung bình muộn hơn.
4. Cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi
Các bệnh do siêu vi gây ra hầu hết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các bà mẹ thường áp dụng các mẹo chữa sốt siêu vi cho trẻ thông quá cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi, giúp giảm bớt triệu chứng cho con bao gồm:
- Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, cho trẻ mặc lớp quần áo mỏng, màu trắng giúp cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt, đây là mẹo chữa sốt siêu vi cho trẻ đơn giản mà hiệu quả;
- Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ > 38 độ C. Thuốc được chọn là Acetaminophen cho hiệu quả nhanh, có tác dụng sau 30 phút và kéo dài từ 4 – 6 giờ, ít tác dụng phụ. Liều dùng từ 10 – 15mg/kg/lần, dùng 4 lần/ngày nếu trẻ còn sốt.
- Lau mát bằng nước ấm khi trẻ sốt cao trên 39 - 40 độ C trong khi đợi thuốc hạ sốt phát huy tác dụng hoặc khi trẻ đang co giật, lau mát thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh, vì hành động này rất dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm còn giúp mạch máu dưới da của trẻ dãn nở tốt giúp thải nhiệt nhanh hơn. Tránh sử dụng nước lạnh hay nước đá, vì sẽ làm các mạch máu co lại, không tỏa nhiệt được. Cha mẹ nên dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt sau đó đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn và dùng 1 khăn khác để lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ của con mỗi 15 – 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ cơ thể trẻ về dưới 38 độ C.
- Bù nước: sốt cao có thể gây mất nước, rối loạn điện giải do đó cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước sôi để nguội, nước điện giải Oresol (một gói Oresol pha trong 1 lít nước uống dần trong ngày);
- Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng nước ấm, cho bé nằm phòng kín, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natri Clorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn vào đường hô hấp;
- Cách ly trẻ tại nhà do bệnh có thể gây thành dịch;
- Giữ ấm cho trẻ.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị co giật do sốt cao?
- Cho trẻ nằm nghiêng 1 bên để đàm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh trẻ hít phải đàm nhớt vào phổi;
- Nhét hậu môn thuốc hạ sốt Acetaminophen;
- Lau mát liên tục cho bé bằng nước ấm;
- Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng cho em bé bị sốt siêu vi:
- Cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa;
- Cung cấp chế độ ăn uống đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất.
Những điều không nên làm khi chăm em bé bị sốt siêu vi:
- Bọc kín trẻ;
- Cho trẻ kiêng ăn uống;
- Nặn chanh, đổ nước sả, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ co giật, vì rất dễ gây sặc, tắc nghẽn đường thở dẫn đến tử vong.
- Cạo gió;
- Cắt lễ.
Khi nào cần đưa em bé bị sốt siêu vi đến bệnh viện?
- Trẻ sốt cao khó hạ hoặc sốt kéo dài trên 2 ngày;
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt;
- Sốt kèm chấm xuất huyết ở da hay hồng ban mụn nước xuất hiện ở lòng bàn tay chân, có mụn nước ngứa toàn thân hoặc phát ban, tử ban hoặc khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác.
- Trẻ lơ mơ, ngủ nhiều, li bì, khó đánh thức;
- Trẻ nôn ói nhiều,
- Trẻ không ăn uống, bỏ bú;
- Co giật, giật mình chới với, run chi;
- Nhịp thở của trẻ bất thường, da tím tái;
- Tay chân lạnh, da nổi bông;
- Đau bụng nhiều;
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói máu, tiêu ra phân đen…
Có thể thấy khi trẻ bị sốt siêu vi, cha mẹ không nên quá lo lắng, nhưng cũng không quá chủ quan, cha mẹ cần áp dụng cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi đúng đắn nhất, đồng thời tuân thủ việc cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, biết cách nhận biết các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế để có hướng xử trí phù hợp nhất.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu cần sự hỗ trợ hãy sử dụng ngay dịch vụ Bác sĩ gia đình 1- 1 trên ứng dụng AIviCare để được kết nối trực tiếp với các bác sĩ nhi khoa hàng đầu Việt Nam.
AIviCare được phát triển bởi VinBrain (thành viên của tập đoàn Vingroup) với lõi công nghệ là trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều tính năng ưu việt và vượt trội trong tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa cho người bệnh. Sử dụng gói Bác sĩ gia đình 1- 1 từ 1 tháng ngay trên ứng dụng sẽ giúp cha mẹ:
- Đặt khám mọi lúc mọi nơi với bác sĩ, chuyên gia
- Thông tin thăm khám được lưu trữ trực tuyến giúp bác sĩ khai thác tiền sử bệnh tốt hơn và theo dõi việc điều trị chặt chẽ hơn.
- Chẩn đoán miễn phí với trí tuệ nhân tạo AI: AIviCare tích hợp công nghệ AI để tìm, đưa đề xuất giải pháp sức khỏe tốt nhất cho người dùng.
Nhanh tay tải ngay App AIviCare để được tư vấn sức khỏe đa chuyên khoa với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Nhi giỏi, tận tâm ngay hôm nay
Link cài app trên hệ Google Play: TẠI ĐÂY
Link cài app trên App Store: TẠI ĐÂY
Lưu ý: Đây là các nội dung y học mang tính tham khảo, không khuyến cáo khách hàng tự áp dụng. Chúng tôi không chịu trách nhiệm với các trường hợp tự điều trị mà không có sự tham vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.